Yên Bái: Kinh nghiệm của xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) trong triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ở xã khó khăn miền núi

28/12/2020 15:35
  • Print
  • Lượt xem: 4915

Xã Việt Thành là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, có tổng diện tích đất tự nhiên 1.432ha. Toàn xã có 8 thôn với 870 hộ và 3.080 khẩu. Đời sống Nhân dân có thu nhập chính từ sản xuất nông lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, chủ yếu các hộ thuộc diện hộ nghèo đơn thân và bảo trợ xã hội. Văn hoá - xã hội được đầu tư đảm bảo các yêu cầu cần thiết; quốc phòng - an ninh ổn định và giữ vững. Xã Việt Thành được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái
trao giấy chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Việt Thành. Nguồn: hoinongdan.org.vn

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng ở nông thôn. Nên, xã Việt Thành đã chủ động quyết tâm đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến mọi người dân với tinh thần: Chương trình nông thôn mới chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng thôn xóm, từng hộ gia đình và phải bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy của mỗi cán bộ và mỗi người dân, để mỗi người không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước mà tự giác tham gia chương trình. Do đó, khi triển khai, thực hiện chương trình trước hết là cán bộ phải học, hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai trong Nhân dân để Nhân dân được biết, được bàn và quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân. Từ việc được nghiên cứu, học tập, được tuyên truyền, vận động. Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được thay đổi vượt bậc cả về nhận thức, tư duy và hành động.

Trong thực hiện lựa chọn những nội dung công việc trọng tâm để chỉ đạo thực hiện trước như nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó xác định làm đường giao thông nông thôn là khâu đột phá và là điểm tựa để bứt phá đi lên trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để việc tổ chức triển khai thực hiện thành công, việc làm đầu tiên cấp uỷ đã xác định công tác cán bộ là then chốt, phải sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ có quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm, sâu sát, gắn bó với quần chúng Nhân dân. Đảng ủy đã mạnh dạn điều động, luân chuyển đảng viên có năng lực từ chi bộ này sang sinh hoạt chi bộ khác và giữ các chức vụ lãnh đạo ở những chi bộ có sức chiến đấu chưa cao, chi bộ dòng họ... Với cách làm sáng tạo đã nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Sau khi xây dựng được đội ngũ cán bộ từ xã xuống thôn có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Đảng bộ, chính quyền đã rà soát và quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng thôn, đáp ứng với nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, cụ thể:

Vùng Đồng Phúc, gồm các thôn: Đồng Phúc, Đồng Phú nhiều đồi rừng được quy hoạch trồng rừng kinh tế tập trung, cây quế là cây chủ lực gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đã vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng Quế với diện tích trên 500ha.

Vùng Phú Thọ, gồm các thôn: Phú Thọ, Phú Mỹ, Phú Lan có đường tỉnh lộ Yên Bái đi qua thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán hàng hóa, quy hoạch phát triển mạnh về thương mại dịch vụ kết hợp phát triển các mô hình như: trồng nấm Linh Chi; chuối sấy rẻo; mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô 10.000 con/lứa cho thu nhập hàng năm mỗi mô hình trên 1,0 tỷ đồng.

Vùng Lan Đình, gồm các thôn: Trúc Đình, Lan Đình, Phúc Đình là vùng có đất đai mầu mỡ được quy hoạch trồng dâu, nuôi tằm. Xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc vận động Nhân dân dồn điền, đổi thửa trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang tính đột phá. Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm hằng năm đạt trên 24 tỷ đồng.

Mặc dù đã xác định được ba vùng phát triển kinh tế tập trung, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện lại gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tiếp tục họp, bàn và xác định làm đường giao thông nông thôn phải đi trước một bước, thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ; phải phát huy được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cán bộ phải gương mẫu, đi đầu và cùng bắt tay vào làm với Nhân dân, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của Nhân dân. Nên đã bê tông cứng hóa được trên 11,0km đường liên xã đạt 97%; 29,0km đường ngõ xóm đạt 75%; 8,0km đường nội đồng. 

Từ việc cán bộ, đảng viên và Nhân dân có sự đoàn kết, đồng thuận cao, hệ thống chính trị vào cuộc. Do đó, Nhân dân đã tự nguyện hiến trên 57.000m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã và các công trình phúc lợi khác. Đến nay, các thôn đều xây dựng được nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng kinh phí 100% do Nhân dân tự đóng góp. Các tuyến đường cơ bản đã được bê tông cứng hóa, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện hiệu quả, đường làng ngõ xóm được trồng hoa cây cảnh xanh, sạch, đẹp; bộ mặt nông thôn thực sự đã có sự đổi đổi mới rõ nét, đời sống Nhân dân được nâng lên. Thu nhập của người được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, không có hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 34 triệu, tăng 27 triệu so với năm xã bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Việt Thành tiếp tục tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2019. Cụ thể, đã chủ động rà soát lại việc thực hiện tiêu chí quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, tập trung vận động Nhân dân dồn điền đổi thửa thực hiện khép kín 100% diện tích đất màu, đất soi bãi và diện tích đất lúa kém hiệu quả theo quy hoạch sang trồng dâu nuôi tằm, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu/người vào năm 2020. Thành lập 02 Hợp tác xã “dâu tằm tơ và hợp tác xã nông lâm nghiệp nuôi trồng thuỷ sản” theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và 19 tổ hợp tác thực hiện có hiệu quả.

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thì ngay từ ngày đầu năm 2019, xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ từng nội dung theo các tiêu chí đã được rà soát, có trọng tâm, trọng điểm về xây dựng “nhà kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu”. Đến nay, xã đã có 01 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu. Đồng thời, hướng dẫn, động viên Nhân dân thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường theo phương án thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Xã đã có 7/8 thôn có hệ thống đường điện chiếu sáng và trồng hoa 2 ven đường, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Song song với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cấp uỷ đảng, chính quyền luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đổi mới phương thức lãnh đạo, mở rộng dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ từ xã xuống thôn nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt chế độ tiếp công dân và giải quyết kịp thời kiến nghị, phản ánh của công dân. Phấn đấu hằng năm Đảng bộ, Chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt trong sạch vững mạnh.

5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện thành công và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã Việt Thành đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện như sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ và người dân phải là chủ thể; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ của nhà nước, có như vậy thì công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nông thôn mới thực sự thành công và bền vững.

Hai là, phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt từ xã xuống thôn. Đặc biệt là cán bộ phải nắm vững những kiến thức cơ bản về nội dung, trình tự và các bước tiến hành, vai trò và cách thức tổ chức thực hiện để người dân thực sự đóng vai trò là chủ thể.

Ba là, trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình, lợi thế cụ thể của địa phương lựa chọn những nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau. Trong chỉ đạo tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo đảm bảo phù hợp với tình tình và điều kiện của địa phương, tránh rập khuân, máy móc.

Bốn là, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.

Năm là, xây dựng nông thôn mới cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc. Trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, phân công cho từng tổ chức và cá nhân phụ trách từng việc, từng thôn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra có sơ kết, tổng kết để thúc đẩy thực hiện chương trình. Ban chỉ đạo của xã phải thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, thành viên và các tổ chức đoàn thể.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)