Một số vấn đề về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ở nước ta hiện nay

20/11/2023 10:56

Trong thời gian qua, nhiều sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ từ các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước đã được tuyển dụng làm công chức, viên chức không qua thi tuyển; phần lớn đã được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

1. Chính sách, quy định pháp luật về tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Chính sách về tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã được đặt nền móng từ cuối thế kỷ 20 trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh (Nghị quyết số 03-NQ/HNTW) đã xác định một trong các nhiệm vụ và giải pháp lớn trong xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “quy hoạch cán bộ từ các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ tuổi thuộc các lĩnh vực”. Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, từ các cơ quan ở trung ương cho tới địa phương và các doanh nghiệp có nhiều đổi mới về xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút thanh niên có trình độ cao không qua thi tuyển. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nhìn chung chưa đủ sức thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang[1].

Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện chính sách thu hút nhân tài trong hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Kết luận số 86-KL/TW). Một mặt, Đảng nhìn nhận thực trạng khi chính sách trên chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được nhiều điều kiện cũng như cam kết cho những người tri thức trẻ đóng góp cho đất nước, mặt khác, Kết luận số 86-KL/TW cũng nêu những quan điểm mới tiến bộ hơn, cơ chế đột phá hơn, tạo nhiều điều kiện hơn và xác định rõ nhóm đối tượng được hướng tới là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 đối tượng trên vào các lĩnh vực công tác khác nhau.

Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng về các ưu đãi đối với người trẻ có tài năng, thu hút họ tham gia vào công tác quản lý nhà nước, Nhà nước ta đã ban hành các quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Cán bộ, công chức năm 2018, sửa đổi, bổ sung năm 2019[2], Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019[3], Luật Thanh niên năm 2020[4]. Đặc biệt, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ quy định chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Nghị định số 140/2017/NĐ-CP) là văn bản điều chỉnh trực tiếp, đầy đủ, toàn diện nhất về vấn đề này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương làm căn cứ thực hiện triển khai, áp dụng chính sách trên thực tế.

Về phạm vi cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách tuyển dụng, Điều 1 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP liệt kê hệ thống các cơ quan và các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện. Theo đó, có thể thấy, chính sách tập trung thực hiện tại các cơ quan, tổ chức thuộc khối nhà nước trên toàn quốc và không điều chỉnh việc tuyển dụng tại khối tư nhân. Đối với khối doanh nghiệp nhà nước, Điều 17 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP khuyến khích áp dụng chính sách để thu hút, tạo nguồn nhân lực mà không trực tiếp điều chỉnh cũng như hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai.

Về việc xác định đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ là hai đối tượng của cơ chế tuyển dụng tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Theo đó, các đối tượng sinh viên xuất sắc được hưởng chính sách được xem xét với 03 tiêu chí cơ bản là: (i) Thành tích trong thời gian học tại cấp trung học phổ thông (giải tỉnh, giải quốc gia, giải quốc tế); (ii) Thành tích trong thời gian học tại cơ sở giáo dục đại học (hạng tốt nghiệp, rèn luyện và khoa học - kỹ thuật);  (iii) Độ tuổi (dưới 30 tuổi). Đối tượng cán bộ khoa học trẻ của chính sách được xem xét dưới 05 tiêu chí là: (i) Trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, bác sỹ nội trú, dược sỹ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học; (ii) Thành tích trong thời gian học tại cấp trung học phổ thông; (iii) Thành tích trong thời gian học tại cơ sở giáo dục đại học; (iv) Chuyên ngành đào tạo sau đại học (cùng ngành đào tạo ở bậc đại học); (v) Độ tuổi (dưới 30 tuổi hoặc dưới 35 tuổi[5] đối với trình độ tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp II, dược sỹ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học). Nhìn chung, tiêu chuẩn xác định là sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định trong Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đã được cân nhắc trên nhiều phương diện và đánh giá mức độ khả thi trước khi áp dụng mặc dù thời gian đầu còn nhiều lo ngại về tiêu chí sinh viên có bằng xuất sắc hay đã được đào tạo tiến sỹ trước 35 tuổi là rất khó thực hiện. Tuy nhiên, về cơ bản, các quy định trên được cho là phù hợp để sàng lọc các nhân lực trẻ có năng lực trên thị trường.  

Về cơ chế phát hiện sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, cơ chế phát hiện trong nước và ngoài nước là có sự khác nhau. Đối với phạm vi trong nước, hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện, lập danh sách đáp ứng tiêu chuẩn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp danh sách gửi Bộ Nội vụ xem xét, đưa vào diện áp dụng chính sách. Đối với phạm vi ngoài nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao theo dõi, phát hiện, lập danh sách gửi Bộ Nội vụ để xem xét, đưa vào diện áp dụng chính sách.

Về hình thức, nội dung và trình tự, thủ tục xét tuyển, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đưa ra hình thức tuyển dụng là xét tuyển (xét hồ sơ và phỏng vấn) kết quả học tập, nghiên cứu và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thông tin tuyển dụng được công khai trên báo viết, báo nói, báo hình và trang thông tin điện tử. Đối tượng dự tuyển cung cấp thông tin trong Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu và các tài liệu liên quan. Hội đồng tuyển dụng sẽ xác định người trúng tuyển và quyết định tuyển dụng được ban hành sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển dụng. Như vậy, đây là một hình thức và thủ tục tuyển dụng có tính chất rút gọn.

Về xếp lương và phụ cấp, Điều 11, Điều 13 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đưa ra mức lương và phụ cấp ưu đãi trong ba giai đoạn tập sự, ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên chính với một số điểm nổi bật so với các đối tượng tuyển dụng thông thường như sau: (i) Giai đoạn tập sự được hưởng nguyên mức lương và phụ cấp; (ii) Hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương. Trong khi đó, các đối tượng tuyển dụng thông thường chỉ được hưởng mức 85%[6] và cũng không có ưu đãi phụ cấp 100% tăng thêm như trên. Có thể nói, đây là một trong những điểm mấu chốt để thuyết phục các ứng viên cân nhắc ứng tuyển vào các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Như trước đây, một lượng nhân sự trẻ chất lượng cao thường lựa chọn những công việc tại khối tư nhân, đặc biệt tại các tổ chức quốc tế có mức lương và đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, khi họ được áp dụng chính sách ưu đãi nêu trên, khoảng cách lương sẽ được thu ngắn lại, tạm thời đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu trong thời gian đầu, góp phần tạo tâm lý yên tâm khi lựa chọn công hiến, làm việc trong môi trường Nhà nước. Tuy nhiên, việc hưởng phụ cấp 100% là có thời hạn, đối với ngạch chuyên viên là không quá 05 năm tính cả thời gian tập sự; đối với ngạch chuyên viên chính là không quá 06 năm.

Về đào tạo và bồi dưỡng, Điều 12 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đặt ra vấn đề trao quyền trong sử dụng người trẻ có năng lực, thể hiện qua việc ưu tiên giao thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình, đề án, dự án từ cấp huyện và tương đương trở lên.

Về nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đối tượng tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP được đặc cách cử tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp dựa trên tiêu chí là hoàn thành công việc và có thực hiện công trình nghiên cứu khoa học. Đây cũng là một trong những chính sách rất ưu đãi, bởi lẽ, đối với đối tượng tuyển dụng thông thường sẽ phải trải qua thời gian là 09 năm.

Tóm lại, các chính sách và hệ thống quy định pháp luật về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ hiện nay cơ bản đã bao quát hầu hết các vấn đề cốt lõi để bảo đảm cơ chế thu hút nguồn nhân sự trẻ chất lượng cao. Đồng thời, các chính sách quy định này cơ bản phù hợp với mục tiêu số 6 về phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ[7].

2. Một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, áp dụng chính sách tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Trong thời gian qua, nhiều sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ từ các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước đã được tuyển dụng làm công chức, viên chức không qua thi tuyển; phần lớn đã được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính sách tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi cơ quan, tổ chức của chính sách, mặc dù doanh nghiệp nhà nước không là đối tượng của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP xuất phát từ chế độ lương, thang, bảng lương riêng đối với người lao động so với khu vực cơ quan nhà nước, tuy nhiên, trên tinh thần thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao tham gia quản lý khối nhà nước và thực trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn còn mức lương hạn chế, doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tượng được khuyến khích áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn. Thế nhưng, việc áp dụng linh hoạt hay áp dụng toàn bộ, trên cơ sở tinh thần của quy định hay bảo đảm toàn diện các điều kiện đề ra và trong trường hợp có gặp vướng mắc, khác biệt thì thực hiện như thế nào cũng chưa được các văn bản pháp luật hướng dẫn. Vì vậy, thực tế cũng chưa có doanh nghiệp nào trong hơn 800 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc thực hiện tuyển dụng hay ban hành các quy chế tuyển dụng dựa trên cơ sở chính sách được quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP[8].

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tính chất đặc thù được giao biên chế và có sử dụng ngân sách nhà nước để hưởng lương[9] mặc dù không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý nhà nước nhưng có chức năng, nhiệm vụ quan trọng đối với quản lý xã hội nói riêng, qua đó phát triển vai trò của quản lý nhà nước nói chung. Tuy nhiên, các hội này không thuộc nhóm các cơ quan, tổ chức áp dụng chính sách.

Chính sách trên cơ sở thực trạng như vậy là hạn chế trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước và một số hội có tính chất đặc thù có nhu cầu thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và ngược lại, cũng như bỏ sót nhóm tổ chức tham gia hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong chính sách thu hút, phát triển nhân lực.

Thứ hai, về việc xác định đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách, các điều kiện đặt ra đối với đối tượng của chính sách đã bộc lộ một số hạn chế trong thời gian qua. Qua thực tế triển khai, với chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 86-KL/TW, cho đến hiện nay, các cơ quan trung ương và địa phương chưa đạt được kết quả khả quan. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2022, tại 37 cơ quan trung ương và 58 địa phương chỉ có 387 hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn[10].

Thực trạng con số tuyển dụng còn hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có bao gồm việc đề ra các tiêu chí gây tranh cãi. Cụ thể, đối với tiêu chí điểm rèn luyện, các cơ sở đào tạo hiện nay chưa có sự thống nhất và hiệu quả trong quá trình đánh giá điểm rèn luyện, thậm chí, một số cơ sở được đánh giá là xảy ra tình trạng hạn chế xếp loại rèn luyện xuất sắc và có nhiều bất cập trong cơ chế đánh giá điểm rèn luyện[11]. Đồng thời, về cơ bản, do điểm rèn luyện không có nhiều ảnh hưởng đến xét hạng tốt nghiệp[12] nên các sinh viên không quá chú trọng đến việc phải đạt điểm rèn luyện ở mức xuất sắc, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc hoạt động xã hội, khả năng rèn luyện của sinh viên không đạt yêu cầu. Đối với tiêu chí thành tích tại cấp trung học phổ thông, tại nhiều tỉnh thành hiện nay, việc đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế là một thách thức không nhỏ xuất phát từ tỷ lệ học sinh tham gia kỳ thi này nói chung và đạt giải là con số hạn chế.

Mặt khác, như một hệ quả của hình thức học và thi trực tuyến từ đại dịch Covid-19, tỷ lệ sinh viên xuất sắc đã tăng đột biến so với các năm trước đại dịch[13]. Tỷ lệ tăng cao góp phần tạo được nguồn cung dồi dào, đáp ứng các điều kiện đặt ra tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, khắc phục trình trạng khó khăn trong tìm kiếm các “hạt giống” chất lượng cao thu hút vào làm việc trong Nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng trưởng ồ ạt lại đặt ra nghi vấn cho các điều kiện sàng lọc của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP có còn đủ độ khó để sàng lọc được các nhân tố có năng lực hay không.

Thứ ba, về việc phát hiện sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, sau gần 06 năm thực hiện, danh sách đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP chưa được phát hiện, lập và gửi đến các cơ quan liên quan một cách đầy đủ, thống nhất, thường xuyên, định kỳ. Ngoài ra, việc phát hiện nguồn lực đáp ứng tiêu chuẩn tại nước ngoài chưa được cung cấp số liệu rõ ràng.

Thứ tư, về việc xây dựng cơ sở dữ liệu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Cơ sở dữ liệu và Trang thông tin điện tử về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ bản đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 12/2020[14]. Tuy nhiên, tính phổ biến và ứng dụng rộng rãi của Cơ sở dữ liệu cũng Trang thông tin điện tử hiện nay còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện mục tiêu phục vụ công tác thống kê, tổng hợp, quản lý và cung cấp dữ liệu nhân lực cho các đơn vị, cơ quan xem xét để phát hiện, thu hút.

Thứ năm, về hình thức và nội dung xét tuyển, Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu[15] chưa cập nhật phù hợp với xu thế cung cấp thông tin ứng tuyển trong bối cảnh xã hội hiện nay. Bên cạnh các thông tin tiêu chuẩn cơ bản, các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ dự tuyển cũng có nhiều thông tin, kỹ năng, ưu điểm, lợi thế, thành tích khác cần được chia sẻ và cung cấp thêm để cơ quan, đơn vị tuyển dụng được biết và cân nhắc bố trí vị trí phù hợp. Tuy nhiên, Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu chỉ thể hiện một số phần, mục cơ bản dẫn đến các cá nhân khó khăn trong chia sẻ thông tin.

Thứ sáu, về việc xếp lương và phụ cấp, mức lương của nhóm đối tượng thu hút mặc dù đã được ưu đãi, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội thì vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, mức phụ cấp tăng thêm có thời hạn (05 năm) chỉ là giải pháp tạm thời và không giải quyết triệt để được vấn đề thu hút, “giữ chân” nguồn lực. Thực trạng này đặt ra nguy cơ “nhân lực trẻ chất lượng cao” rời khu vực nhà nước để tìm kiếm việc làm tại các khu vực tư nhân sau một thời gian đào tạo, làm việc. Bên cạnh đó, mức lương như trên là “bài toán lớn” đặt ra cho các đối tượng này để duy trì sinh hoạt tại một số thành phố lớn. Ngoài ra, việc tham gia thi chuyên viên chính (sau 03 năm) để cải thiện mức lương với hệ số 4,4 về cơ bản cũng chưa giải quyết được nguồn thu nhập phù hợp với các đối tượng này, chưa kể đến trường hợp do thiếu kinh nghiệm, kiến thức nên việc đỗ kỳ thi chuyên viên chính cũng là một thử thách không nhỏ.

Thứ bảy, về việc đào tạo và bồi dưỡng, việc quy định ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, giao thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình, đề án, dự án cho đối tượng theo diện thu hút là chưa có kế hoạch, chương trình, tính thống nhất mà tùy thuộc vào cách thức quản lý, tình hình của mỗi đơn vị, cơ quan. Bên cạnh đó, chính sách dành cho sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ là nhiều ưu đãi lớn nhưng cũng cần phải có thời gian để họ làm quen với công việc, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng một số đơn vị, cơ quan còn tồn tại tư tưởng định kiến, đánh giá về sự tương xứng giữa chính sách ưu đãi với trình độ, hiệu quả làm việc, chưa mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, dẫn tới cán bộ chưa yên tâm công tác, thiếu tập trung nghiên cứu, chưa phát huy được hết năng lực, sở trường, gây lãng phí nguồn lực như Kết luận số 86-KL/TW đã chỉ ra.

3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có năng lực, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện chính sách, thể chế, pháp luật hiện hành và bảo đảm cơ chế thực hiện, triển khai chính sách, quy định trên thực tế, trong đó, tập trung vào các giải pháp sau:

3.1. Hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Một là, có hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng chính sách thu hút nhân lực của doanh nghiệp nhà nước, trong đó cho phép áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng áp dụng của chính sách thu hút nhân tài đối với một số hội có tính chất đặc thù được giao biên chế và có sử dụng ngân sách nhà nước để hưởng lương, có chức năng, nhiệm vụ quan trọng đối với quản lý nhà nước.

Hai là, sửa đổi cách thức xác định kết quả rèn luyện xuất sắc của sinh viên xuất sắc bằng nhiều phương thức, hình thức khác nhau như: Xem xét hoạt động xã hội, cộng đồng, các cuộc thi, các thành tích khác…; kỷ luật trong quá trình học và chấp hành pháp luật trong lý lịch tư pháp. Đồng thời, mở rộng thêm đối tượng đạt giải cao trong cuộc thi khu vực, cuộc thi nghiên cứu khoa học và một số thành tích, giấy khen, bằng khen nổi bật khác phù hợp với chuyên môn làm việc.

Mặt khác, cần xem xét, rà soát lại chất lượng đầu ra của các trường đại học hiện nay trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tăng lên “ồ ạt”. Việc tuyển dụng cần đặt yếu tố “quân không cần đông mà cần tinh” để sàng lọc, tuyển chọn và ưu đãi cho những “hạt giống” tốt đáp ứng yêu cầu cải cách, tinh gọn bộ máy, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân.

Ba là, Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu cần hoàn thiện theo hướng cung cấp các thông tin dạng mở để không hạn chế các tài liệu, thông tin mà các ứng viên cần cung cấp phù hợp, khả thi với bối cảnh tuyển dụng hiện nay trong xã hội. Đặc biệt, các đơn vị, cơ quan tuyển dụng được phép sử dụng hình thức mới mẻ, sáng tạo trong phỏng vấn để xét tuyển các đối tượng như: Thuyết trình, tranh biện, thực hiện tình huống giả định, lên ý tưởng đề án mới...

Bốn là, có sự tách biệt và làm rõ mức lương, hệ số lương và phụ cấp của đối tượng thu hút. Cụ thể, việc phụ cấp tăng thêm có ảnh hưởng đến thủ tục, quá trình nâng lương thường xuyên cũng như các phụ cấp thông thường khác hay không? Để giải quyết lâu dài và tăng cường tính cam kết, yên tâm làm việc của nhân lực trẻ chất lượng cao, cần sớm hoàn thiện quy định về thuê nhà công vụ hoặc vay tiền mua nhà trả góp theo tinh thần của Kết luận số 86-KL/TW.

3.2. Các đề xuất khác nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các cơ quan, tổ chức tại địa phương, các doanh nghiệp nhà nước, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước và một số nhóm cá nhân có vai trò quan trọng trong khâu tuyển dụng, lãnh đạo điều hành công việc là những nhóm đối tượng cần đặc biệt chú trọng trong phổ biến, nắm rõ chính sách.

Ngoài ra, việc phổ biến chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng cũng cần được chú trọng qua nhiều hình thức mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay với đa dạng các nguồn như: Báo chí, cơ sở đào tạo, tổ chức thanh niên, tổ chức truyền thông, tổ chức nhân sự và đa dạng các hình thức như: Video, tin bài, mạng xã hội…

Về đồng bộ các khâu trong chính sách thu hút, việc thực hiện chính sách trên thực tế phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ và khả thi từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh. Theo đó, chế độ báo cáo cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ để nắm rõ tình hình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài sau khi phát hiện và tuyển chọn.

Về việc xác định các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn hưởng ưu đãi, cần thực hiện một cách minh bạch, thống nhất, công bằng ngay tại thời điểm đang học tập, nghiên cứu tại cấp trung học phổ thông và bậc đại học, tránh trường hợp xảy ra gian lận, thiếu “khách quan”, “chính xác”. Đồng thời, cần có hướng dẫn, định hướng của các bên liên quan đối với đối tượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trong việc chuẩn bị các điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ xét tuyển.

Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bảo đảm đầy đủ thông tin ngay từ thời điểm mới bắt đầu bước vào thị trường lao động. Như vậy, cơ sở dữ liệu mới phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng. Bên cạnh đó, việc thống kê, tổng hợp, quản lý dữ liệu nhân lực cần tiếp tục phát triển theo hướng đánh giá được quá trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển của nguồn nhân lực này và rút ra được công tác triển khai và hiệu quả thực tiễn. Hiện nay, Trang thông tin điện tử về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng cần xây dựng, quản lý theo hướng bảo đảm là một trang thông tin tin cậy, bổ ích để các đối tượng thanh niên tiếp cận thông tin thường xuyên.

Về việc đào tạo và bồi dưỡng, cần bỏ những định kiến trong việc chọn cử, đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực trẻ; phát huy đúng năng lực, sở trường của từng nhân lực được tuyển dụng tránh gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, cần mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ vào một số nhiệm vụ quan trọng với bản chất là tính trao quyền thực chất thay vì trao quyền hình thức. Theo đó, trong trường hợp có một số rủi ro, đối tượng nhân lực trẻ chất lượng cao không thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP cũng đã đưa ra hướng giải quyết là bố trí công tác khác, thôi hưởng phụ cấp tăng thêm, thậm chí là thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng.

ThS. Đinh Hoàng Khánh, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

Hoàng Như Quỳnh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

 

----------------------------

[1]. Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

[2]. Điều 6 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định chính sách đối với người có tài năng: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”.

[3]. Khoản 4 Điều 10 Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng đưa ra chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức như sau: “Nhà nước có chính sách... phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”.

[4]. Điều 24 Luật Thanh niên năm 2020 quy định chính sách đối với thanh niên có tài năng như sau: “1. Nhà nước có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng. 2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.

[5]. Áp dụng theo độ tuổi tại Điều 23 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2020/NĐ-CP).

[6]. Điều 22 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

[7]. Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

[8]. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

[9.] Quyết định số 1499/QĐTTg ngày 03/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2021.

Một số tổ chức tại Phụ lục Danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước được ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hội có tính chất đặc thù: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam.

[10]. Xem thêm: Sinh viên giỏi “chê” cơ quan nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh: Khó triển khai chính sách thu hút người tài (bài cuối), https://danviet.vn/sinh-vien-gioi-che-co-quan-nha-nuoc-bai-cuoi-khi-nao-moi-go-duoc-kho-khan-20230613182323659.htm, truy cập ngày 10/10/2023.

Một số địa phương cũng báo cáo những con số hạn chế như sau: Quảng Ngãi chỉ tuyển dụng được 05 trường hợp sau hơn 05 năm triển khai; Quảng Bình tuyển dụng được 02 sinh viên xuất sắc từ năm 2020 đến nay; Bắc Kạn tuyển dụng được 01 công chức theo diện nhân tài; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng thực hiện tuyển dụng đối với 02 trường hợp và riêng với Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến nay chưa thu hút được một trường hợp nào.

Xem thêm: Thu hút, tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, https://baoquangngai.vn/chinh-tri/202306/thu-hut-tao-nguon-can-bo-chat-luong-cao-2fe6099/, truy cập ngày 10/10/2023; “Trải thảm” cho sinh viên xuất sắc, https://tuoitre.vn/trai-tham-cho-sinh-vien-xuat-sac-2023060910193119.htm, truy cập ngày 10/10/2023.

Thông báo kết quả xét tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP kỳ tuyển dụng viên chức tỉnh Quảng Ninh năm 2020, https://baoquangninh.vn/thong-bao-ket-qua-xet-tuyen-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-theo-nghi-dinh-so-140-2017-nd-cp-ky-tuyen-dung-vien-chuc-tinh-quang-ninh-nam-2020-2526421.html, truy cập ngày 10/10/2023. 

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, https://congan.com.vn/doi-song/tphcm-gan-5-nam-chua-tuyen-duoc-sinh-vien-xuat-sac-can-bo-khoa-hoc-tre-lam-viec_148175.html, truy cập ngày 10/10/2023.

Vì sao Thành phố Hồ Chí Minh khó tuyển dụng sinh viên xuất sắc?, https://tphcm.chinhphu.vn/vi-sao-tphcm-kho-tuyen-dung-sinh-vien-xuat-sac-10123060819420586.htm, truy cập ngày 10/10/2023.

[11]. Xem thêm: Sinh viên bức xúc về “điểm rèn luyện”, https://tienphong.vn/sinh-vien-buc-xuc-ve-diem-ren-luyen-post26950.tpo; Điểm rèn luyện: Động lực hay gánh nặng sinh viên? - Nhờ điểm rèn luyện, học thêm kỹ năng, https://tuoitre.vn/diem-ren-luyen-dong-luc-hay-ganh-nang-sinh-vien-nho-diem-ren-luyen-hoc-them-ky-nang-20230530101743578.htm, truy cập ngày 10/10/2023.

[12]. Điều 14 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ khi sinh viên có điểm tích lũy loại giỏi hoặc xuất sắc nhưng lại có điểm rèn luyện thấp do đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên thì mới bị giảm hạng tốt nghiệp.

[13]. Trường Đại học Ngoại thương có khoảng 28,6% sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc trong tổng số 950 sinh viên, https://tienphong.vn/gan-80-sinh-vien-truong-dai-hoc-ngoai-thuong-tot-nghiep-loai-gioi-xuat-sac-post1522700.tp, truy cập ngày 10/10/2023.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân có khoảng 35% sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc trong tổng số 988 sinh viên, https://tuoitre.vn/qua-nhieu-sinh-vien-loai-gioi-va-xuat-sac-khi-xet-tot-nghiep-20230303084733496.htm, truy cập ngày 10/10/2023.

[14]. Ngày 03/11/2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 927/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; xây dựng quy chế quản lý, cập nhật Cơ sở dữ liệu và biên tập Trang thông tin điện tử về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

[15]. Tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)